Mình thích vô cùng nhịp truyện bình dị và thơ mộng của K.G Paustovsky. Ông có biệt tài về miêu tả cảnh thiên nhiên. Và trong ngôn từ giản dị và đẹp đẽ đó, đất nước Nga hiển hiện trong những lăng kính mùa thu hay mùa đông tuyệt đẹp.
Ông viết về những vùng biển lặng gió, sương chiều toả mờ. Những ngọn đèn tín hiệu đung đưa nhịp nhàng trên nước ở gầm những mỏm đá bên bờ. Đêm mùa thu đến rất chậm, mỗi bước đi nó lại dừng lại và mãi không sao dồn hết được những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà ra khỏi vùng biển sâu.
Ông viết về những thanh âm đời thường như một tiếng ầm ì xa xa văng vẳng lên trong bầu trời, rồi từ từ tắt dần. Một con cá quẫy mạnh ở gần bờ, rồi từ từ ở đâu xa xa tiếng tù và mục đồng nổi lên.
Ông viết về màn sương tháng chín. Sương từ những bụi cây cỏ cao vẩy nước vào mặt ta. Sương nhỏ giọt từ cành cây xuống sông và trên mặt nước tối sầm những vòng tròn chậm chạp cứ lan rộng mãi.
Hay những dòng văn đầy cảm xúc khi trời còn tranh tối tranh sáng và mặt trăng mờ mờ hơi sương vừa nhô lên khỏi những khu rừng bạch dương ẩm thấp. Trên bầu trời tối hằn rõ bóng những cành liễu mảnh dẻ. Những đêm mây trắng đứng yên trên rừng và toả một ánh sáng yếu ớt trong bầu không khí màu xám đen phơn phớt xanh.
Paustovsky đưa ta đến những cánh rừng mùa thu tĩnh lặng hay những bến cảnh phủ đầy hơi sương. Ông dẫn ta qua một khóm tử đinh hương và lắng nghe tiếng bước chân trên nền tuyết trắng xoá. Đằng sau lớp ngôn từ đẹp đẽ và lấp lánh chất thơ ấy là những thông điệp nhân văn về cuộc đời, về văn học nghệ thuật, xoa dịu chiến tranh, ánh lên chất Nga đôn hậu trong từng câu chuyện nhỏ. “Bông hồng vàng và bình minh mưa” là cuốn sách không-thể-thiếu dành cho tất cả chúng ta.