Ít ai ngờ được rằng một nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử Ba Lan lại có thể cho ra đời một kiệt tác văn học dành cho thiếu nhi tuyệt vời đến vậy. Bằng một giọng văn tinh khiết và giàu cảm xúc, tác giả đã phác họa rõ nét toàn bộ chuyến hành trình đi xuyên châu Phi dưới góc nhìn của hai đứa trẻ người ngoại quốc. Từng cử chỉ, hành động của nhân vật như sống dậy qua ngòi bút tài hoa của tác giả càng khiến cho câu chuyện cuốn hút hơn bao giờ hết:
“Và bỗng nhiên em cảm thấy mũi và gò má lại lạnh toát đi, nhưng là một thứ lạnh khác hẳn, cái lạnh không phải nảy sinh từ nỗi sợ mà từ một quyết định kinh khủng không gì lay chuyển nổi, với quyết định ấy trái tim trong lồng ngực em hiện thời như biến thành sắt thép.
…
Mày sẽ không thể giết được Nell nữa đâu - em nhắc lại.”
Không chỉ khắc họa thành công sự trưởng thành của Stas, ông vẫn không quên lưu giữ lại nét ngây thơ hồn nhiên hiếm hoi của cậu bé khi ở bên cạnh Nell, như muốn nhắc nhở rằng Stas vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi:
- Cái đồ Saba xấu xí! Xấu xí! Đã thế thì khi nó về, em sẽ không nói với nó một lời nào hết, em sẽ nói với nó rằng nó rất xấu.
Mặc dù không muốn cười chút nào, Stas cũng phải mỉm cười và hỏi:
- Làm sao em vừa có thể không nói với nó một lời nào mà đồng thời lại bảo cho nó biết rằng nó rất xấu được?
- Nó nhìn vẻ mặt của em thì nó biết chứ.
- Cũng có thể. Nhưng nó cũng chẳng có lỗi gì, và sau đó nó xông tới cứu chúng mình đấy thôi.
- Được rồi, nhưng là người lịch thiệp thì đâu có sủa để chào hỏi nhau.
- Người lịch thiệp thì cả khi từ biệt cũng không sủa, trừ khi anh ta là một con chó, mà Saba đúng là chó chứ còn gì nữa.
Bên cạnh những cuộc săn đuổi và màn đấu trí hồi hộp đến ngạt thở, nhà văn không quên ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của núi rừng Phi châu, nơi mà chưa có nhà thám hiểm châu Âu nào đặt chân đến vào thời điểm hiện tại. Chỉ cần nhắm mắt lại, những câu chữ tươi mát sẽ ngay lập tức đưa ta vào thế giới trong truyện với những “thân cây mục ruỗng màu xám trông như một tấm thảm thêu”, “những bông hoa sặc sỡ như cánh bướm” và thậm chí là những loài vật kì lạ mà ta chưa bao giờ biết đến như loài voi nước và báo wobo khiến cho bộ tộc da đen không khỏi khiếp sợ. Đọc từng trang truyện mà có cảm nhận như tác giả đã từng bước khám phá, quan sát và ghi chú tỉ mỉ vẻ đẹp hoang sơ tại nơi này vậy:
“Nơi nào ánh nắng mặt trời chiếu tới, ở đó mặt đất lại vàng rực bởi những loài lan kì lạ khác, nhỏ bé, màu vàng, trong đó hai cánh hoa vươn lên cao bên cạnh cánh thứ ba, trông giống như đầu một loài nào đó có những cái tai to dài nhọn hoắt. Một đôi nơi rừng được trang điểm bởi những bụi nhài dại, kết thành những tràng hoa gồm những dây mỏng mảnh nở hoa hồng hồng.
…
Hoàn toàn không nghe thấy tiếng chim hót, ngược lại trên các ngọn cây lại vang lên những tiếng kêu kì lạ nhất , khi thì nghe như tiếng cưa rít, khi như tiếng gõ thùng, khi lại như tiếng cò kêu, như tiếng cọt kẹt của những chiếc cửa cũ kĩ, như tiếng vỗ tay, tiếng mèo kêu meo meo, thậm chí như tiếng trò chuyện to tiếng và khích động của con người nữa”.
Nhà văn cũng rất chú ý về văn hóa cũng như lối sinh hoạt của người da đen tại nơi đây. Ông đã tìm hiểu rất kĩ về cách gọi tên, nói chuyện, chiến đấu cũng như những phong tục đặc trưng của thổ dân da đen để có thể đem lại kiến thức thú vị nhất dành cho những độc giả tò mò về họ. Chính Henryk chứ không ai khác đã cho chúng ta biết rằng ngoài giáo và tên, người da đen thường chiến đấu “bằng lửa, tiếng kêu la, bằng cách giả tiếng gà, đào những hố sâu và đặt bẫy bằng những cây gỗ”. Họ gọi các vị thần bằng cái tên “Mzimu” (trong câu chuyện nhờ sự trợ giúp của chú voi King và cậu bé Kali mà Nell được người da đen tôn sùng làm “Mzimu Tốt”) và lời nói của các vị thần thường được truyền đạt qua thầy phù thủy (nhưng thực chất chỉ là những kẻ chuyên lừa gạt dân làng bằng cách tạo tiếng kêu từ cái trống lớn làm bằng thân cây rỗng lòng và bịt da khỉ). Họ kết nghĩa huynh đệ bằng cách chia nhau lá gan của dê và đọc niệm chú trong khi vị chủ tọa ban phù chú và điệu nhảy thần linh. Ngạc nhiên một điều là cho dù có chiến tranh xảy ra giữa các bộ lạc thì phụ nữ hai bên vẫn có thể đi chợ và thực hiện các trao đổi buôn bán như bình thường một cách an toàn bên trong một khu vực gọi là Luela. Nếu không có những kiến thức uyên thâm về thiên nhiên và con người nơi đây, chắc hẳn tác giả đã không thể kể về họ một cách tự nhiên và rành mạch đến vậy.
Lời kết
Có thể nói Trên sa mạc và trong rừng thẳm là tác phẩm kinh điển mà mọi thiếu nhi trên thế giới này nên đọc một lần trong đời. Tác phẩm đã gợi nên khát vọng sống tươi đẹp, ước mơ đi tới những chân trời xa, thực hiện những kì tích phi thường, vượt mọi hiểm nguy và chiến thắng mọi bất công tàn ác. Dù cho phải gặp bao nhiêu chông gai thử thách, thì chỉ cần với một trái tim can đảm và trong sạch, chắc chắn bạn sẽ làm được những điều phi thường và kì diệu. Thượng đế sẽ không quay lưng với những ai không bỏ cuộc cho đến tận những giây phút cuối cùng.
Ở Phi Châu xa xôi ấy, có một bản hùng ca hát về những chiến binh nhỏ tuổi can trường vang lên trên khắp hoang mạc và trong rừng thẳm.